Đến với Nhật Bản, du khách sẽ có rất nhiều điểm đến thú vị cần ghé thăm. Và một trong số những địa điểm mà chúng ta không thể bỏ qua khi đến với xứ phù tang chính là tòa Lâu đài Hạc Trắng - Lâu đài Himeji. Công trình có giá trị to lớn, cả về mặt lịch sử lẫn yếu tố kiến trúc. Ngày hôm nay, hãy cùng Nội thất Hà An tìm hiểu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tòa lâu đài Himeji ở Nhật Bản nhé.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Một vài thông tin cơ bản về lâu đài Himeji
Tòa lâu đài Himeji ở Nhật Bản tọa lạc tại trung tâm của thành phố Himeji, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 650km về hướng tây. Lâu đài Himeji chính là một công trình hiếm hoi đại diện cho phong cách kiến trúc cận đại của Nhật Bản còn tồn tại cho đến ngày nay. Cùng với hai tòa thành Kumamoto và Matsumoto, Himeji chính là thành viên còn lại của “tam đại quốc bảo thành” trong văn hóa đất nước mặt trời mọc. Đây cũng chính là tòa lâu đài nổi tiếng và lâu đời nhất. Người ta còn biết đến lâu đài Himeji với tên gọi là Chim diệc trắng - một giống loài cao quý biểu trưng cho sự thanh khiết và cao thượng của bậc quân tử.
Chim diệc trắng - Cái tên thân thuộc của lâu đài Himeji
Lịch sử của tòa lâu đài Himeji ở Nhật Bản
Vào năm 1333, lãnh chúa của vùng Harima là Norimura Akamatsu đã hạ lệnh khởi công xây dựng tòa lâu đài này, với vai trò là một pháo đài phòng thủ. 13 năm sau, con trai của lãnh chúa này là Sadanori đã cho xây dựng thêm khu vực nhà ở cũng như các công trình phụ trợ khác. Sau đó, vùng đất này rơi vào quyền kiểm soát của các lãnh chúa Kotera và Kuroda. Một số sử gia và nhà nghiên cứu cho rằng tòa lâu đài Himeji được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI, giai đoạn mà Shigetaka Kuroda và con trai là Mutotaka Kuroda nắm quyền kiểm soát. Khi Kanbei Shigetaka Kuroda kiểm soát vùng đất này, Hideyoshi Hashiba đã tới đây và xây lên cho riêng mình một tòa lâu đài có 3 tầng. Về sau, Hashiba và sau đó là Iesada Kinoshita đã giành được quyền kiểm soát lâu đài Himeji. Sau khi cuộc nội chiến Sekigahara khép lại, con nuôi của Shogun Ieyasu Tokugawa là lãnh chúa Terumasa Ikeda đã điều hành lâu đài này.
Lịch sử lâu đời của tòa lâu đài Himeji
Điểm nổi bật của kiến trúc lâu đài Himeji
Kiến trúc bên ngoài của lâu đài Himeji
Điều đầu tiên mà các du khách cảm nhận được khi đến với lâu đài Himeji ở Nhật Bản chính là việc tòa lâu đài này quá rộng lớn. Không chỉ mỗi tòa tháp chính đồ sộ, mà ngay cả hệ thống lối đi trong lâu đài cũng nhiều và ngoằn ngoèo giống như khi ta lạc vào mê cung vậy. Thậm chí ngày nay, người ta phải cắm những biển báo chỉ dẫn lối đi để cho du khách không bị lạc khi ghé thăm công trình kiến trúc độc đáo này. Từ trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy Himeji có hình bầu dục, với một lớp hào nước bao quanh, tiếp đó là lớp tường đá, một khu rừng cây tùng bách và một công viên rộng lớn bao trọn lấy lâu đài. Nhờ đó mà người trong lâu đài có thể dễ dàng thực hiện các chiến thuật phòng thủ hay tấn công.
Tổng thể lâu đài Himeji nhìn từ trên cao
Một điểm đặc biệt khác của tòa lâu đài chính là phần vật liệu xây dựng. Cấu trúc của Himeji làm từ gỗ nên người ta phải phủ lên khắp tất cả các mặt tường của lâu đài này một lớp thạch cao trắng. Đó chính là khởi nguồn của cái tên Lâu đài Hạc trắng.
Phần mái của Himeji cũng rất đáng để chúng ta tìm hiểu. Màu bạc của những lớp mái ngói hòa quyện với sắc trắng của những bức tường, đem đến cho Himeji vẻ đẹp cổ kính và nho nhã. Có tất cả là 56 loại ngói được sử dụng để cấu thành nên lớp mái cho tòa lâu đài này. Phần mái có góc nhọn, nhằm tăng thêm sức chống chịu lực trước sức nặng của tuyết vào mùa đông, một phần cũng bởi vị trí lâu đài được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Himeyama. Điểm thú vị nhất trong nghệ thuật xây dựng lâu đài Himeji nằm ở phần rìa mái, với những mảnh ngói hình tam giác. Mỗi khi trời mưa, phần nước mưa sẽ theo rãnh của phần rìa mái tam giác này chảy xuống một rãnh nước bên dưới. Nước mưa sẽ theo rãnh này chảy vào một bộ lọc nước để phục vụ sinh hoạt của người trong lâu đài.
Phần mái lâu đài Himeji
Kiến trúc nội thất bên trong lâu đài Himeji
Đến với phần
thiết kế nội thất, dễ nhận thấy 6 tầng lầu của tòa lâu đài Himeji được dựng nên dựa trên những cột trụ gỗ lớn, có khả năng chịu lực tốt. Những chiếc cột này đều được chế tác từ những cây đại cổ thụ cực kì quý hiếm. Các thanh xà ngang trên trần nhà, hay những vách ngăn giữa các phòng cũng đều là một màu nâu của gỗ. Tuy vậy, phần cột trụ ở cửa thì lại là sự khác biệt với chất liệu đá và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ. Đặc biệt, cách mà người xưa kết nối các trục, xà, cột gỗ này lại với nhau để tạo nên tòa lâu đài chính là điều mà những lớp hậu duệ ngày nay vẫn phải trầm trồ thán phục. Nếu bạn có kiến thức về kiến trúc của các công trình chùa cổ tại Việt Nam, bạn sẽ nhận thấy ngay rằng kỹ thuật ghép mộng gỗ của chúng ta cũng được người Nhật áp dụng để xây nên công trình tuyệt đẹp này.
Kiến trúc gỗ bên trong lâu đài
Nhằm tạo sự thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ, phần cầu thang được bố trí nằm rải rác trong lâu đài. Những khu vực còn lại được bố trí thiết kế tương đối đồng nhất và thông với nhau bởi các lối đi. Tại Himeji, các phòng ở được xây dựng dọc theo lối đi. Đây là nơi ở của các tướng sĩ, binh lính, và thậm chí còn có cả một phòng riêng dành cho phụ nữ. Các cửa sổ chủ yếu là loại hẹp có hình chữ nhật.
Phần hành lang với các cửa sổ hình chữ nhật
Cầu thang bố trí rải rác trong lâu đài Himeji
Những câu hỏi liên quan đến lâu đài Himeji
Khi nào là thời điểm thích hợp để đến thăm quan lâu đài Himeji?
Chắc chắn là bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội được ghé thăm lâu đài Himeji ở Nhật Bản vào mùa hoa anh đào nở. Thử tưởng tượng hình ảnh tòa lâu đài trắng uy nghi, cổ kính vươn lên giữa những lớp lớp cành hoa anh đào đang bung sắc hồng tươi tắn. Không chỉ vậy, bạn còn được chiêm ngưỡng những cây tùng bách với màu lá xanh tươi vào dịp này. Hãy chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc máy ảnh thật xịn, cùng những “bộ cánh” đẹp nhất để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ này bên người thân nhé.
Lâu đài Himeji với sắc hồng mùa hoa anh đào
Cách di chuyển đến lâu đài Himeji?
Bạn có thể di chuyển bằng tàu Shinkansen hoặc sử dụng xe điện để đi từ Osaka đến ga Himeji. Thời gian đi lại sẽ trong khoảng từ 1 giờ đến 1 giờ 20 phút, và giá vé dao động từ 269.000 đến 320.000 VNĐ, tùy vào từng tháng. Từ nhà ga Himeji, bạn có thể đi xe bus nếu muốn tiết kiệm thời gian để đến lâu đài Himeji (giá vé khoảng 21.000 VNĐ/chiều và thời gian đi chỉ từ 3-5 phút), hoặc cũng có thể dành 15-20 phút để vừa đi bộ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trên cung đường đến Himeji.
Bạn có thể đi tàu Shinkansen đến ga Himeji để tới thăm tòa lâu đài
Thời gian hoạt động và giá vé vào cửa lâu đài Himeji?
Lâu đài Himeji ở Nhật Bản sẽ mở cửa đón khách tham quan trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, giờ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Nếu bạn chỉ tham quan tòa lâu đài thì giá vé sẽ khoảng 210.000 VNĐ. Còn nếu bạn muốn khám phá thêm vườn Akarui thì chi phí tổng cộng sẽ là 240.000 VNĐ.
Giờ mở cửa từ 9-17h và giá vé tham quan lâu đài Himeji khoảng 210.000 VNĐ
Trên đây là những thông tin tổng quan về tòa
lâu đài Himeji ở Nhật Bản. Hi vọng rằng qua những chia sẻ này của Hà An, các bạn đã hiểu được phần nào giá trị của tòa lâu đài này với đất nước mặt trời mọc, và chuẩn bị được kế hoạch để đến thăm quan công trình kiến trúc tuyệt mỹ này. Hãy thường xuyên truy cập website của Hà An tại địa chỉ
https://noithathaan.vn/ để đón đọc thêm nhiều thông tin về các công trình kiến trúc tiêu biểu trên khắp thế giới.