Nhắc đến những cung điện, những tòa lâu đài cổ là nhắc đến những công trình kiến trúc có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, nhưng vẫn lưu giữ lối thiết kế, kiến trúc độc đáo, cùng những câu chuyện lịch sử, văn hóa được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ. Những công trình ấy, trải dài theo năm tháng, chứng kiến biết bao sự thay đổi, phát triển, thịnh suy của nhiều nền văn minh trong lịch sử con người. Hôm nay, hãy cùng Hà An dạo bước và đến thăm các cung điện, các lâu đài đẹp nhất thế giới nào.
Top những lâu đài cổ đẹp nhất thế giới
Lâu đài Chillon - Thụy Sỹ
Cảnh sắc hữu tình ở lâu đài Chillon - Thụy Sỹ
Nhắc đến lâu đài Chillon, một trong các lâu đài đẹp nhất thế giới, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh của nàng tiên cá, bởi đây chính là nguồn cảm hứng để hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney lấy bối cảnh tạo nên bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Nàng tiên cá”. Vì thế, Chillon còn thường được gọi là lâu đài của nàng tiên cá ngoài đời thực. Thống kê cho thấy lâu đài này đón hơn 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm.
Được xây dựng trên nền của một lâu đài cổ khác đã bị phá hủy từ thế kỷ thứ XIII, với vị trí độc đáo trên phần đất nhô ra của một hòn đảo trên hồ Geneva, Chillon có khung cảnh hữu tình với lưng tựa núi, mặt hướng hồ tuyệt đẹp. Chẳng thế mà lâu đài này được đưa vào trong thi ca của những nhà văn theo trường phái lãng mạn như Victor Hugo, Alexandre Dumas hay Lord Byron.
View hồ Geneva nhìn từ lâu đài Chillon
Cho đến ngày nay, Chillon gần như vẫn giữ nguyên vẹn được kiến trúc từ khi xây dựng. Có thể nói rằng, lâu đài Chillon chính là báu vật vô giá, thể hiện đời sống văn hóa, lịch sử và lối kiến trúc độc đáo của đất nước Thụy Sỹ.
Lâu đài Peleș, Rumani
Được xây dựng vào năm 1873 và hoàn thành sau đó 10 năm, với vị trí nằm giữa những cánh đồng cỏ xanh mướt trên dãy núi Carpathian, Peles được mệnh danh là tòa lâu đài đẹp nhất Rumani, cũng như là một trong các lâu đài đẹp nhất thế giới, với điểm nổi bật là những ngọn tháp cao vút.
Lâu đài Peles - Biểu tượng đất nước Rumani
Cấu trúc của lâu đài Peles không khác gì với một cung điện, với hơn 170 căn phòng được trang trí cầu kỳ. Là sự kết hợp giữa hai trường phái kiến trúc Phục Hưng và Neo - Gothic, nhiều người sẽ nhận thấy Peles cũng có nét giống với tòa lâu đài Schloss Neuschwanstein ở Đức. Tại đây, chúng ta như đang lạc vào một bảo tàng lịch sử, với những cuộc chiến tranh Đông - Tây qua các bộ vũ khí, đồ gốm, tranh thảm hay ngà voi. Ngoài ra, Peles còn nổi tiếng với những ô cửa kính sắc màu được vẽ bằng tay, những bộ sưu tập tượng người và sư tử, cùng với khoảng 2000 bức tranh quý giá.
Peles giống như một bảo tàng lưu giữ tinh hoa văn hóa Rumani
Lâu đài Prague, Cộng hòa Séc
Được xây dựng vào thế kỷ thứ IX tại thủ đô của CH Séc ngày nay, lâu đài Prague thực chất là một pháo đài. Đây là một phần của quần thể các tòa lâu đài, cung điện, thánh đường tại Praha, và được xem là biểu tượng của đất nước Cộng hòa Séc xinh đẹp.
Lâu đài Prague - Cộng hòa Séc
Đây là nơi cất giữ những báu vật hoàng gia vô giá, có thể kể đến như vương miện, vương trượng, quả cầu hoàng gia… Tất cả những báu vật này đều được làm từ vàng và các loại đá quý.
Bên trong nhà thờ St. Vitus ở lâu đài Prague
Phong cách kiến trúc của lâu đài Prague là tổng hợp của nhiều trường phái kiến trúc, từ Gothic, Phục Hưng cho đến ngay cả chủ nghĩa kiến trúc hiện đại. Với diện tích lên tới gần 70.000 met vuông, lâu đài Prague được sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là lâu đài cổ lớn nhất thế giới.
Lâu đài Neuschwanstein, Đức
Cái tên của lâu đài này có nghĩa là Thiên nga đá mới (New Swan Stone), được xuất phát từ một nhân vật là hiệp sỹ “Swan Knight” trong một tác phẩm nhạc kịch của nhà soạn nhạc Richard Wagner. Được xây dựng dưới thời vua Ludwig II vào năm 1869, lâu đài này chưa bao giờ được thực hiện hoàn chỉnh. Tính đến khi vua Ludwig II băng hà, tức sau ngày khởi công tới 17 năm, tòa lâu đài mới chỉ được hoàn thiện 14 căn phòng, với mỗi căn phòng là một kiểu kiến trúc riêng. Được xây dựng trên nền phế tích của hai lâu đài cũ, Vorderhohenschwangau và Hinterhohenschwangau, lâu đài Neuschwanstein hiện lên sừng sững giữa vùng núi non, thảo nguyên và sông hồ miền nam nước Đức. Từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thảo nguyên Schwangau, cặp hồ Alpsee và Schwansee, cùng dãy núi Tyrolean phân định ranh giới Đức - Áo. Chính nhờ vị trí độc nhất vô nhị này mà lâu đài Neuschwanstein trở thành một trong các lâu đài đẹp nhất thế giới.
Phóng tầm mắt từ lâu đài Neuschwanstein quả là khoảnh khắc đáng nhớ với bất kì ai
Chẳng những có cảnh sông núi hữu tình, lâu đài Neuschwanstein còn được nhiều du khách ghé thăm bởi lối kiến trúc độc đáo. Tòa lâu đài là hiện thân cho lối kiến trúc thần tiên và cách tân lãng mạn của Đức những năm thế kỉ thứ XIX., là sự kết hợp giữa sự bay bổng và trường phái hiện thực. Mang trong mình nhiều phong cách thiết kế, ta có thể tìm thấy những điểm nhấn như cửa sổ hình vòm của lối kiến trúc Roman, tháp nhọn đặc trưng của trường phái Gothic, hay những chi tiết trang trí từ đá hoa và vàng của phong cách Byzantine. Nhờ vậy, Neuschwanstein hiện lên vừa lộng lẫy, tráng lệ, lại vừa ngọt ngào, nên thơ. Đây xứng đáng là một trong những lâu đài cổ đẹp nhất thế giới.
Neuschwanstein là tổng hòa của nhiều trường phái kiến trúc trong lịch sử
Các cung điện đẹp nhất thế giới
Tử Cấm Thành, Trung Quốc
Nhắc đến các triều đại phong kiến cổ, chúng ta hẳn sẽ nghĩ ngay tới anh bạn hàng xóm Trung Quốc, nền văn hóa có thể coi là đại diện tiêu biểu của châu Á. Vào thời điểm những triều đại phong kiến tại đất nước tỷ dân này đạt cực thịnh, thì Cố Cung, hay còn gọi là Tử Cấm Thành, chính là địa điểm quyền lực và xa hoa nhất. Nơi đây được bao phủ bởi sắc đỏ - vàng tượng trưng cho quyền uy và danh giá của bậc vua chúa hoàng tộc. Công trình được xây dựng theo trục Bắc - Nam một cách cân đối, nhằm hy vọng đem đến sự thịnh vượng cho đất nước. Hiện nay, Tử Cấm Thành thu hút khoảng 10 triệu khách du lịch mỗi năm, và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với thành phố Bắc Kinh.
Tử Cấm Thành - Một trong các cung điện đẹp nhất thế giới
Cung điện Buckingham, Anh
Được xây dựng vào năm 1703, Cung điện Buckingham chính là công trình biểu tượng cho quyền lực và sự tôn nghiêm của Nữ hoàng và chế độ quân chủ ở Anh. Công trình có hơn 700 căn phòng lớn nhỏ, là địa điểm lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đến với Buckingham, du khách sẽ được ngắm nhìn khu vực hồ trung tâm yên bình, những khu vườn với đầy đủ sắc màu của các loài hoa, và những gian phòng với lối thiết kế cầu kỳ, sang trọng của phong cách cổ điển. Từng chi tiết trang trí nội thất như những bức tranh đều là những kỷ vật vô giá.
Cung điện Buckingham - Biểu tượng của quyền lực hoàng gia Anh Quốc
Cung điện Topkapi, Thổ Nhĩ Kỳ
Cung điện Topkapi bên eo biển Bosphorus
Trấn giữ eo biển Bosphorus nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải chính là Cung điện Topkapi tráng lệ. Topkapi được xây dựng từ năm 1466 đến 1478 dưới thời vua Mehmet II. Tọa lạc tại cửa ngõ thủ đô Istanbul, trên nền của những di tích cổ từ triều đại Byzantine, trải qua suốt hơn 500 năm chiều dài lịch sử, Topkapi chính là chứng nhân cho sự phát triển thịnh vượng đến đỉnh cao của Đế quốc Ottoman hùng cường. Những câu chuyện về các vị vua đã từng trị vì, về một đế quốc từng một thời trải dài khắp bờ cõi châu u, châu Á, châu Phi vẫn như còn đâu đây khi du khách tìm đến và khám phá cung điện này. Đi vào phía bên trong, có thể nói Topkapi như một thành phố thu nhỏ, với hàng trăm căn nhà cổ, cùng những công trình kiến trúc như nhà thờ Hồi giáo, những khu nghỉ dưỡng, giải trí của các cung tần mỹ nữ. Sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ, kể từ ngày 3/4/1924, Cung điện Topkapi đã được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi thành bảo tàng đầu tiên của quốc gia này, nơi lưu giữ những quá khứ hào hùng của đất nước.
Kiến trúc bên trong cung điện Topkapi
Cung điện Hoàng gia Thái Lan
Hoàng hôn ở cung điện hoàng gia Thái Lan
Được xây dựng từ năm 1782 dưới thời vua Rama tại ngay trung tâm thủ đô Bangkok, Cung điện Hoàng gia Thái Lan chính là quần thể kiến trúc có quy mô rộng lớn nhất xứ sở chùa tháp. Cung điện nổi bật với nét kiến trúc tháp nhọn Phật giáo điển hình, cùng các chi tiết trang trí nội thất tinh xảo, thể hiện đời sống xa hoa và quyền quý chốn hoàng cung. Những địa điểm mà du khách nhất định phải ghé thăm khi đến với Hoàng cung là Chùa Phật Ngọc - địa điểm thờ tượng Ngọc, tòa thư viện Phra Mondop, tháp Phra Sri Rattana được dát vàng, hay tượng Phật Bà.
Kiến trúc Phật giáo đặc trưng của cung điện hoàng gia Thái Lan
Trên đây là danh sách các cung điện, các lâu đài đẹp nhất thế giới. Mỗi công trình lại có những nét kiến trúc, lịch sử, ý nghĩa văn hóa riêng đại diện cho nhiều nền văn minh khác nhau. Những giá trị vô giá đó là điều mà chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn, để những thế hệ sau vẫn sẽ được tiếp tục chiêm ngưỡng những thành tựu của nhân loại.