Khám phá các kiến trúc cổ đại phương Đông nổi tiếng nhất

Nhắc đến các nền văn minh phương Đông, người ta sẽ nghĩ ngay đến một khu vực gắn liền với quá trình hình thành và phát triển rực rỡ của các nhà nước phong kiến hùng mạnh, hay những trận chiến đẫm máu bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố này, thì những công trình kiến trúc của phương Đông cũng là thứ khiến cho chúng ta phải chú ý. Đó là sự kết tinh của trí sáng tạo không giới hạn, cùng khả năng lao động phi thường của con người. Trong bài viết này, Nội thất Hà An sẽ cùng bạn ghé thăm các kiến trúc cổ đại phương Đông nổi bật nhất nhé.
MỤC LỤC BÀI VIẾT

Các quốc gia cổ phương Đông là gì?

Từ lâu, người ta đã có khái niệm phân chia địa lý giữa “phương Đông” và “phương Tây”. Nếu như nói đến các quốc gia cổ đại phương Tây, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những đế quốc như La Mã, Hy Lạp...thì nhắc đến phương Đông, ai cũng biết đó là những nền văn minh như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập hay Lưỡng Hà (khu vực Iran - Iraq) ngày nay. Đây là những nền văn minh được hình thành lâu đời, trong khoảng niên đại từ cuối thiên niên kỷ IV đến đầu thiên niên kỷ III trước Công nguyên. Đặc điểm chung là những nền văn minh này được hình thành ở các khu vực đồng bằng hoặc khu vực ven biển tại châu Á và châu Phi, nơi có điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ, thích hợp cho việc trồng trọt của con người.
 
Những nền văn minh phương Đông
Những nền văn minh phương Đông

Những nền văn minh cổ đại này không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế giới sau này, mà thậm chí còn để lại cho chúng ta kho tàng văn hóa vô giá, mà tiêu biểu là những công trình kiến trúc đồ sộ, trường tồn cho tới tận ngày nay.

Ý nghĩa của kiến trúc cổ đại phương Đông

Mỗi công trình lại mang những lớp ý nghĩa riêng, đại diện cho văn hóa, tôn giáo, sự phát triển...của nền văn minh đó. Ví dụ như Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc được xây dựng với ý nghĩa xác lập lãnh thổ của nhà nước Trung Hoa cổ đại, ngăn chặn các tộc người phương Bắc xâm lược. Ngoài ra, việc xây dựng một kiến trúc đồ sộ với chiều dài lên tới 6.259 km cho thấy quyền lực, sức mạnh của bộ máy cai trị nhà nước khi có thể huy động lượng người lớn tham gia xây dựng. Hay như quần thể Angkor, mà nổi tiếng nhất là đền Angkor Wat - di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, giúp cho hàng triệu người dân Campuchia ngày nay hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp của Ấn Độ giáo, cũng như phong tục thờ phụng các vị thần tại quốc gia này.
 
Ý nghĩa kiến trúc cổ đại phương Đông
Mỗi công trình lại mang một ý nghĩa riêng

Tựu chung, các kiến trúc cổ đại phương Đông thể hiện những ý nghĩa như:
  • Biểu tượng cho quá trình xây dựng - phát triển hùng cường của các quốc gia phong kiến phương Đông, quyền lực của tầng lớp vua chúa.
  • Thể hiện sức ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo trong đời sống nhân dân.
  • Minh chứng cho sức sáng tạo của con người, với nhiều công trình kiến trúc có thiết kế độc đáo, cầu kỳ.
  • Sức mạnh trong lao động của người phương Đông, có thể xây dựng những công trình có quy mô hùng vĩ vào thời điểm đó.

Các kiến trúc cổ đại phương Đông nổi tiếng

Cung điện Potala - Tây Tạng - Trung Quốc

Khi nói đến vùng Tây Tạng, ngoài nghĩ đến dãy Himalaya với đỉnh Everest - nóc nhà của thế giới, du khách sẽ không thể bỏ qua một địa điểm du lịch nổi tiếng khác. Đó là cung điện Potala tại thành phố Lhasa - Trung Quốc. Tương truyền rằng công trình này đã được xây dựng vào năm 637 bởi nhà vua Songtsan Gampo, với mục đích nhằm cùng cố quyền lực của Vương quốc Tubo Tây Tạng. Thậm chí, có tài liệu còn cho rằng đây là quà của nhà vua nhằm chào đón công chúa Văn Thanh của nhà Đường - vị hôn thê của mình. Sau đó, cùng với sự sụp đổ của Vương quốc Tubo, Potala đã bị phá hủy vào thế kỷ thứ IX, và chỉ được xây dựng lại vào năm 1645 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Công trình này gồm 3 tầng, 1.000 phòng, 10.000 gian thờ cùng với 200.000 bức tượng. Với độ cao hơn 3.700 mét so với mực nước biển, công trình này chính là cung điện nằm ở vị trí cao nhất thế giới, đồng thời là biểu tượng của nền văn hóa Tây Tạng.
 
Cung điện Potala ở Tây Tạng
Cung điện Potala - Tây Tạng - Trung Quốc

Tu viện Paro Taktsang - Bhutan

Thường được gọi là Tu viện Taktsang Palphug, công trình này tọa lạc ở một vách đá với độ cao 900 mét phía trên thung lũng Paro (khoảng 3.000 mét so với mực nước biển). Được xây dựng vào năm 1692, Tu viện Taktsang trước đây là nơi trú ngụ của các tăng nhân. Những ngôi điện chính và khu nhà ở tại đây được thiết kế một cách khéo léo, dựa theo địa hình núi đá và hang động. Đối với những vị khách hành hương muốn tìm kiếm một địa điểm du lịch tâm linh, Paro Taktsang chính là điểm đến ưa thích. Người ta tin rằng chỉ cần một phút hành thiền tại Tu viện Paro Taktsang thì sẽ đạt được thành quả tương đương với mấy tháng liền hành thiền tại những nơi khác. Một lưu ý là hãy chuẩn bị đầy đủ nước uống, mang theo hành trang gọn nhẹ và ăn mặc thật kín đáo trước khi bước chân đến đây nhé.
 
Tu viện Paro Taktsang tại Bhutan
Tu viện Paro Taktsang tại Bhutan

Chùa vàng Shwedagon - Nyaung U - Myanmar

Đây cũng là một trong các kiến trúc cổ đại phương Đông nổi tiếng còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo truyền thuyết, cũng như ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa này đã có cách đây 2.500 năm, trước khi Đức Phật qua đời. Tuy nhiên, giới khảo cổ lại cho rằng chùa Shwedagon được xây dựng trong khoảng giữa thế kỉ VI và X. Đây được cho là nơi lưu giữ một mảnh xương và răng của Phật Gautama. Truyền thuyết kể lại rằng nhà vua Anawrahta đã có chuyến đi đến đảo quốc Sri Lanka để thỉnh xá lợi răng của Phật. Sau khi trở về, vị lợi ích chung của mọi người, nhà vua đã đem cất giữ thánh vật này ở một ngôi chùa, và chùa vàng Shwedagon được nhiều người dân tin rằng chính là nơi đó.
 
Chùa vàng Schwedagon tại Myanmar
Chùa vàng Schwedagon tại Myanmar

Kinh đô cổ Ayutthaya - Thái Lan

Trong khoảng thời gian từ 1351 - 1676, Ayutthaya được coi là nơi cư trú của người Xiêm. Được thành lập vào năm 1350 bởi vua U Thong, Ayutthaya từng được chọn là kinh đô của vương quốc Ayutthaya (tức Xiêm La). Hiện tại ở thành phố, phần phế tích cổ vẫn còn được duy trì ở Công viên lịch sử Ayutthaya, minh chứng cho một thời kì hưng thịnh trong lịch sử Thái Lan, đồng thời cũng là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng tại đất nước chùa tháp này.
 
Cố đô Ayutthaya của Thái Lan
Các công trình kiến trúc tại cố đô Ayutthaya của Thái Lan

Đền Angkor - Campuchia

Quần thể di tích đền Angkor chính là biểu tượng của đất nước Campuchia, khi hình ảnh của ngôi đền được đặt nằm chính giữa trên quốc kỳ của quốc gia này. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc cổ đại nổi tiếng nhất vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay, và được coi như công trình tưởng niệm tôn giáo đơn lẻ lớn nhất trên thế giới.
Quần thể di tích trải dài trên một diện tích là khoảng 400 km2. Trong đó, nổi bật nhất là đền Angkor Wat - di tích tôn giáo lớn nhất thế giới - có diện tích 162.6 ha (theo sách kỷ lục Guiness thế giới). Đền Angkor được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II, từ năm 1113 đến năm 1150.
 
Quần thể đền Angkor tại Campuchia
Quần thể đền Angkor tại Campuchia

Nằm trong quần thể Angkor, mỗi ngôi đền lại có cho riêng mình nét kiến trúc thờ phụng riêng, nhưng vẫn tập trung vào đời sống thường ngày của những người dân Khmer. Lấy ví dụ như đền Bayon, có những chi tiết rất đời thường như cảnh gia đình nấu cơm tối, phụ nữ làm lụng lao động, đàn ông uống rượu đều được đặc tả. Điểm đặc biệt của đền Bayon nằm ở việc nó có 37 ngọn tháp được trang trí với 216 khuôn mặt khác biệt.
Trong khi đó, khu đền Ta Prohm lại là địa điểm yêu thích nhất trong quần thể đền Angkor của các nhiếp ảnh gia và du khách bốn phương. Hình ảnh những ngôi đền lấp ló, ẩn mình sau những tán lá của rừng già, hay những cây lớn với lớp rễ khổng lồ bao phủ lên những kiến trúc nơi đây, tạo nên vẻ đẹp bí ẩn và độc đáo, thôi thúc sự tò mò muốn được khám phá của bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.

Vạn Lý Trường Thành - Trung Quốc

Được xây dựng ngay từ thế kỷ V trước Công nguyên, Vạn Lý Trường Thành ban đầu được tạo nên với mục đích bảo vệ biên cương của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước sự xâm lăng từ phương Bắc của người Hung Nô (Mông Cổ).
 
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc
Vạn Lý Trường Thành - Công trình biểu tượng của nhà nước Trung Quốc cổ đại

Trải dài theo lịch sử, Vạn Lý Trường Thành đã nhiều lần được xây dựng, nối dài thêm. Nổi tiếng nhất có lẽ là phần tường được Tần Thủy Hoàng hạ lệnh xây dựng từ năm 220 đến 206 trước Công nguyên. Cho đến nay, phần tường này gần như đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài di tích nhỏ. Trong khi đó, hình ảnh Vạn Lý Trường Thành mà chúng ta vẫn thường thấy trên TV hiện nay là công trình được xây dựng dưới thời nhà Minh. Có thể nói rằng, cùng với Tử Cấm Thành, đây là một trong hai địa điểm du lịch lịch sử mà mọi người không thể bỏ qua khi đến du lịch tại đất nước tỉ dân này.

Tử Cấm Thành - Bắc Kinh - Trung Quốc

Minh Thành Tổ lên ngôi hoàng đế vào năm 1402, quyết định dời đô về Bắc Kinh và xây dựng Tử Cấm Thành. Công trình xây dựng ròng rã suốt 14 năm, là thành quả lao động của hàng triệu nhân công. Đến năm 1421, hoàng đế chuyển vào sống tại đây. Và kể từ đó, Tử Cấm Thành là nơi ngự trị của 24 vị hoàng đế, cho đến tận năm 1912. Suốt thời gian đó, những gì xảy ra phía sau cánh cổng của Tử Cấm Thành là một sự bí ẩn với dân thường bên ngoài, khi không phải ai cũng được phép ra vào nơi này. Ngày nay, Tử Cấm Thành đón 20.000 lượt du khách đến tham quan mỗi ngày.
 
Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh
Tử Cấm Thành - Bắc Kinh - Trung Quốc

Tử Cấm Thành có diện tích lên tới 720.000 m2, lớn nhất thế giới. Nơi đây có kiến trúc độc đáo, với những hình rồng phượng được chạm khắc tỉ mỉ trên các phiến đá cẩm thạch lớn. Màu sắc cũng là một chi tiết đáng lưu tâm, với sắc vàng là chủ đạo. Màu vàng này tượng trưng cho quyền lực tối thượng của hoàng đế. Có thể thấy rõ ý nghĩa này nếu quan sát đến long bào, ngai vàng, gạch lát sàn hay bát đũa ăn uống hàng ngày của nhà vua đều có màu sắc này. Ngay cả những lớp mái ngói ở Tử Cấm Thành cũng được tráng lớp men vàng.
Tử Cấm Thành được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987, được coi là một trong các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ được bảo tồn lớn nhất thế giới.

Đền Taj Mahal - Agra - Ấn Độ

Với chiều cao 171m cùng kiến trúc nổi bật, đền Taj Mahal chính là địa điểm thu hút khách du lịch đặc sắc nhất của Ấn Độ, cũng như là một trong các kiến trúc cổ đại phương Đông tiêu biểu mà chúng ta cần nói tới. Công trình được xây dựng như là cách để hoàng đế Shah Jahan tưởng nhớ đến người vợ thứ ba của mình. Tương truyền rằng, hoàng đế Shah Jahan có kế hoạch sử dụng đá cẩm thạch đen ở bên kia sông cho đền Taj Mahal, nhưng kế hoạch đó đã bị ngừng lại.
 
Đền Taj Mahal tại Ấn Độ
Ấn Độ nổi tiếng với ngôi đền Taj Mahal

Sau 21 năm được xây dựng bởi bàn tay của hàng nghìn thợ thủ công và thợ điêu khắc, đến năm 1653, Taj Mahal chính thức được khánh thành. Ngôi đền được xem là sự tổng hòa của các trường phái kiến trúc như Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và Ấn Độ. Đến năm 1983, UNESCO công nhận Taj Mahal là Di sản văn hóa thế giới.

Cung điện Changdeok - Seoul - Hàn Quốc

Cung Changdeok (Xương Đức Cung) là cung phía Đông của cung Gyeongbok (cung Cảnh Phúc). Đây là một trong 5 cung điện lớn nhất tại quốc gia này, cũng là một trong các công trình cổ đại phương Đông giá trị còn tồn tại cho đến ngày nay. Mục đích của Changdeok là thay thế cung Cảnh Phúc khi Hàn Quốc xảy ra chiến tranh hay thiên tai.
Được xây dựng từ năm 1405, cung Changdeok có tổng diện tích lên tới 580.000 m2. Diện tích các khu vườn bao quanh khu chính cung là 120.000 m2. Đây cũng chính là nét đẹp làm mê hoặc du khách của cung Changdeok.
 
Cung điện Changdeok tại Hàn Quốc
Cung điện Changdeok tại Hàn Quốc với nét kiến trúc độc đáo

Có thể nhận định rằng cung Changdeok vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc cung điện độc đáo nhất tại châu Á. Bước vào chính cung, chúng ta sẽ đi qua cổng Donhwamun (Đôn Hóa Môn) với mái vòm khắc họa tiết kỳ lân đậm nét kiến trúc Trung Hoa. Tiếp đó là một cây cầu đá granite được xây dựng vào thế kỷ XV, nhằm sử dụng làm đường cho vua chúa di chuyển lên chính cung.
Các khu vực tiếp theo trong cung theo thứ tự như sau:
Injeongjeon: Khu vực trung tâm của cung điện. Đây là nơi diễn ra lễ tấn phong, cũng như các nghi lễ quan trọng của đất nước. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngai vàng, nội thất cung điện tại khu vực này.
  • Seonjeongjeon: Nơi tổ chức các buổi yến tiệc, cũng là khu vực thi cử của các nho sinh.
  • Huijeongdang: Nơi nhà vua sinh sống trong cung điện.
  • Daejejeon: Nơi sinh hoạt dành cho các vương phi, phi tần trong cung.
Changdeok chính là cung điện duy nhất được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khi công trình là nơi lưu giữ các giá trị kiến trúc tinh tế. Huwon (Hậu Uyển), hay phần hậu viên của cung Changdeok, chính là nơi duy nhất còn lưu giữ được đặc điểm điển hình của những khu vườn truyền thống Hàn Quốc.

Lâu đài Himeji - Himeji - Nhật Bản

Lâu đài Himeji tọa lạc ở trung tâm của thành phố Himeji, tỉnh Hyogo. Cùng với Matsumoto và Kumamoto, Himeji tạo nên bộ ba tòa thành nổi tiếng nhất xứ sở Mặt trời mọc. Lâu đài Himeji được Akamatsu Norimura, một chiến binh Samurai, xây dựng vào năm 1346. Nằm trên một ngọn núi cao 50m so với mực nước biển, phần móng của tòa thành là những phiến đá lớn được ghép lại. Kết cấu tường của tòa lâu đài là vật liệu gỗ được phủ lên lớp thạch cao trắng. Và dù đã đứng đó gần 700 năm, nhưng Himeji vẫn giữ được vẻ đẹp vượt thời gian. Vì thế, người ta đặt một cái tên khác cho nó là Lâu đài Hạc trắng.
 
Lâu đài Himeji tại Nhật Bản
Lâu đài Himeji tại Nhật Bản - còn gọi là Lâu đài Hạc trắng

Một điểm ấn tượng nữa với du khách là ở việc tòa lâu đài có hệ thống phòng thủ rắc rối giống như một mê cung vậy. Để đến sảnh chính của tòa lâu đài, chúng ta phải đi qua rất nhiều cánh cổng và các khoảng sân. Nhờ vậy mà nơi đây trở thành địa điểm trú ẩn an toàn của các bậc vua chúa ngày xưa.
Từ bên trong lâu đài, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh của thành phố Himeji qua những khung cửa sổ. Tại đây còn có những tư liệu quý giá về lịch sử phát triển của thành phố.
Ngay trước lối vào thành, ta sẽ bắt gặp một cây hoa anh đào quý nở quanh năm. Chắc chắn đây là chi tiết mà những vị khách du lịch chẳng thể nào bỏ qua.

Như vậy là Nội thất Hà An đã cùng bạn chiêm ngưỡng các kiến trúc cổ đại phương Đông ấn tượng nhất và vẫn còn được bảo tồn cho đến hiện tại. Có thể thấy từ xa xưa, các kiến thức về kiến trúc đã được người xưa đúc kết và chuyển hóa một cách tài tình, tạo nên những công trình tuyệt mỹ để cho thế hệ chúng ta trầm trồ thán phục. Hãy thường xuyên đón đọc các bài viết của Hà An để cập nhật những tin tức độc đáo và mới lạ xoay quanh chủ đề kiến trúc nhé.
Thiết kế website
Thiết kế và phát triển website bởi 036.294.2346